skip to Main Content
Menu
0916.568.386 thesinhtour.com.vn@gmail.com

Làng nghề Hà Thạch

(XTDL) – Trải qua nhiều năm, làng nghề bánh, bún Hà Thạch (thị xã Phú Thọ) vẫn duy trì và phát triển ổn định. Một số gia đình đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất nhằm giảm công lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm của làng nghề gồm có: Bánh chưng, bánh cuốn, bánh tai, bánh giò, bún, mỳ sợi và một số loại bánh khác cung cấp cho thị trường thị xã Phú Thọ và một số địa bàn lân cận như: Tam Nông, Việt Trì, Thanh Thủy…

Hiện làng nghề có 88 hộ tham gia, chiếm 35,9% tổng số hộ của làng. Năm 2016, doanh thu của làng nghề đạt hơn 136 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân từ quân 4 – 4,5 triệu đồng/người/tháng.

img2393-1498436893

Nghề làm bún, bánh đã giúp người dân xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu.

Nhiều gia đình ở Hà Thạch quanh năm làm bánh, bún và coi đó là nguồn thu nhập chính. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Huy Đức – Trưởng làng nghề chuyên sản xuất bánh cuốn, bánh tai và một số loại bánh khác. Trước kia, hai vợ chồng anh chỉ làm bánh cuốn, tráng bằng tay nên rất tốn thời gian, số lượng ít chỉ khoảng 10 – 20kg/ngày, bánh lại dày, ăn không ngon.

Vài năm gần đây, nhận thấy nhu cầu thị trường tiêu thụ bánh ngày càng cao, anh mạnh dạn đầu tư mua máy làm bánh cuốn vừa tăng lợi nhuận lại đảm bảo chất lượng bánh. Với hơn 40 năm gắn bó với nghề làm bánh, “tiếng lành đồn xa” bánh cuốn của gia đình anh có tiếng trong làng và một số huyện lân cận nên người tới lấy buôn khá đông.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày gia đình anh sản xuất từ 1 – 2 tạ gạo bánh cuốn. Vào những dịp lễ, Tết số lượng tăng lên gấp 2 – 3 lần, gia đình phải thuê thêm người làm mới đủ đáp ứng nhu cầu, trừ chi phí mỗi năm thu lãi 150 – 200 triệu đồng.

Anh Đức chia sẻ: “Nghề làm bánh, bún rất dễ nhưng cần sự chịu khó, tỉ mỉ và khéo léo. Để sản phẩm ngon, mẫu mã đẹp và có hương vị đặc trưng đòi hỏi người làm phải có kĩ thuật chọn nguyên liệu, đặc biệt là gạo. Gạo thơm ngon, bột mới mịn và bánh mới đảm bảo hương vị đặc trưng”.

Không giống như các làng nghề khác, làng nghề bún, bánh Hà Thạch hoạt động chủ yếu về đêm. Những hộ sản xuất bắt đầu “khởi động” từ 23h hôm trước đến 3h sáng hôm sau để có sản phẩm giao buôn. Dù trời nắng hay mưa, trên các ngõ vào làng vẫn sáng rực đèn xe và tiếng nói cười của người tới mua hàng.

Chị Nguyễn Thị Dung ở khu 3 cho biết: “Gia đình tôi đã gắn bó với nghề làm bún, bánh hơn 10 năm. Làm nghề phải thức đêm như vậy bánh mới ngon và đảm bảo chất lượng. Mỗi ngày, gia đình tôi sản xuất 1 tạ gạo mỳ sợi vào buổi chiều và 20kg bánh các loại từ 2h sáng rồi đem bán ở chợ trung tâm thị xã”.

Nghề làm bún, bánh mang lại thu nhập cao nhưng nước thải từ làng nghề chứa hàm lượng tinh bột lớn không xử lý triệt để sẽ gây tình trạng ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Đức Ninh – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân sử dụng bể lắng và hầm biogas để xử lý nước thải, khuyến cáo người dân không thải ra kênh mương gây ô nhiễm môi trường nước. Đồng thời, khuyến khích người dân đầu tư máy móc vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm”.

Dù phải thức khuya dậy sớm nhưng từ bao đời nay, làng nghề làm bún, bánh ở Hà Thạch vẫn phát triển bền vững. Làng nghề được công nhận từ năm 2013 đã giúp người dân có thêm động lực và cơ hội để phát huy nghề “cha truyền con nối”. Làng nghề phát triển thúc đẩy nền kinh tế của địa phương ngày càng đi lên, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 25 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 3,97%.

Back To Top
Copyright 2019 © Thesinh Tour | SinhCafe | Sinh Tourist | Thiết kế bởi Web Bách Thắng